Nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá” khi kết nối cùng doanh nghiệp

Vài năm trở lại đây, nông dân trồng khoai tây tại nhiều tỉnh thành trên cả nước không còn lo cảnh “được mùa mất giá” vì đã được nhiều doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp các loại giống mới, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra…

Nông dân trồng khoai tây có nguồn thu nhập ổn định từ việc kết nối với doanh nghiệp
Nông dân trồng khoai tây có nguồn thu nhập ổn định từ việc kết nối với doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1/2023 sản lượng rau củ quả các loại trên cả nước đạt khoảng 5.748 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính riêng tháng 3/2023, do thị trường tiêu thụ chậm nên giá trung bình một số sản phẩm rau, củ, quả như ớt chuông Đà Lạt, đậu cô ve, xà lách, su su, củ dền… đều giảm so với tháng 2/2023.

Trong số các loại rau, củ, quả, mặt hàng khoai tây là một trong những nông sản Việt nhiều năm liền luôn gặp khó khăn về đầu ra cũng như sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Thêm vào đó là việc ép giá từ các thương lái vào mỗi mùa thu hoạch khiến nông dân lao đao.

Ông Đặng Xuân Tĩnh, người có kinh nghiệm lâu năm trồng khoai tây ở Đà Lạt cho biết, nông dân thường xuyên gặp khó khi khoai tây luôn trong tình trạng “được mùa mất giá” hoặc cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

ĐÃ THOÁT CẢNH “ĐƯỢC MÙA MẤT GIÁ”

Hiện khoai tây trồng ở Việt Nam chủ yếu là các loại khoai tây phục vụ ăn tươi tại thị trường nội địa. Theo ước tính, nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm, song sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40%, còn lại phải nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau.

Để hỗ trợ nông dân tăng năng suất cũng như thoát cảnh “được mùa mất giá”, vài năm trở lại đây, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực liên kết với các doanh nghiệp sản xuất khoai tây nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm cũng như thu nhập của người trồng khoai.

Đơn cử như Lâm Đồng. Địa phương này nổi tiếng với nhiều loại nông sản phong phú, đặc trưng của vùng khí hậu ôn đới, trong đó có sản phẩm khoai tây. Trước đây, sản phẩm khoai tây của Lâm Đồng luôn bấp bênh, đầu ra gặp khó. Tuy nhiên, từ khi tỉnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệpchế biến, thì diện tích sản xuất các giống khoai tây phục vụ chế biến đã tăng mạnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết 2 năm gần đây diện tích sản xuất khoai tây chuyên dùng chế biến đã tăng gấp 2. Cụ thể, năm 2022 diện tích trồng khoai tây đạt hơn 2.700 ha, sản lượng 76.000 tấn so với năm 2020 là 1.350 ha, sản lượng 35.400 tấn.

Không những thế, nông dân trồng khoai tây tại Lâm Đồng còn được hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây khoai tây và bao tiêu sản phẩm đầu ra với mức giá ổn định, qua đó trình độ sản xuất và thu nhập của người dân ngày càng tăng.

“Chúng tôi được doanh nghiệp cung cấp các loại giống và bao tiêu sản phẩm với mức giá luôn cao hơn thị trường nên mỗi năm gia đình thu lãi vài trăm triệu đồng”, ông Xuân Tĩnh nói.

Cùng với ông Tĩnh, hàng trăm nông dân ở Lâm Đồng cũng được hưởng lợi nhờ hợp tác với doanh nghiệp. Ông Văn Miền, nông dân canh tác khoai tây cho biết, mặc dù là giống mới nhưng năng suất khá ổn định. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trên những cánh đồng khoai tây giảm 2 lần so với trước. Công nghệ tưới nước kết hợp bón phân qua ứng dụng thông minh giúp tiết kiệm nước và phân bón.

Không chỉ Lâm Đồng, trong vụ Đông Xuân 2022-2023, hàng ngàn hộ dân, hợp tác xã các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thọ Xuân… cũng được bao tiêu sản phẩm khoai tây từ các công ty như Công ty cổ phẩm Nông nghiệp Quốc tế An Việt, Công ty Orion Vina – Viện sinh học Nông nghiệp, Công ty cổ phần GVA,… Các địa phương này đã xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất để tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chăm sóc, phân bón, kỹ thuật tốt nên khoai tây phát triển, vụ khoai tây này được người dân đánh giá được mùa, đạt 100 triệu đến 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận 50 triệu đến 70 triệu đồng/ha…

PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU, ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT

Theo Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina (Orion), một doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng khoai tây chế biến (làm snack) tại Lâm Đồng, hiện vùng nguyên liệu khoai tây tại Việt Nam đang cung cấp khoảng hơn 30% công suất hoạt động của nhà máy để sản xuất các loại bánh snack như: O’star và Swing. Và Orion đang tích cực mở rộng thêm vùng nguyên liệu để đạt được mục tiêu trên.

Các vùng nguyên liệu khoai tây của Orion có diện tích khoảng 1.500 ha ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đăk Nông… được xây dựng cách đây 7 năm với tên gọi dự án “Khoai tây quê hương”.

Ông Jung Mun-Kyo, quản lý bộ phận AGRO trong Orion VINA, cho biết 7 năm liền theo đuổi mô hình “khoai tây quê hương”, Orion đã hỗ trợ máy móc, giống và kỹ thuật cho hàng nghìn hộ nông dân. “Tôi đến Việt Nam 15 năm trước. Khi đó năng suất là chỉ 3.000 tấn/năm. Nay, năng suất tăng lên đến 50.000 tấn. Đây là niềm vui mà Orion có thể chia sẻ với nhiều nhà nông trên hành trình xây dựng vùng nguyên liệu bền vững”, ông Jung Mun-Kyo nói.

Được biết, toàn bộ số khoai tây mà Orion bao tiêu được thu hoạch theo quy trình khép kín và được vận chuyển thẳng vào nhà máy chế biến snack của công ty trên cả nước. Và từ khi bắt tay với nông dân để xây dựng nguyên liệu, Orion đã giảm sản lượng nhập khẩu từ nước ngoài.

Để có vùng nguyên liệu xanh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, công ty đang đầu tư mở rộng ở 12 tỉnh thành ở Bắc Bộ và Nam bộ với diện tích vài nghìn ha. Trong năm 2023, Orion đang có kế hoạch tăng lên khoảng 15% diện tích vùng nguyên liệu. Mục tiêu hướng tới việc sử dụng 100% nguyên liệu khoai tây tươi tại Việt Nam.

Ngoài Orion, Pepsico Việt Nam cũng đang theo đuổi các dự án liên kết trồng khoai tây với nông dân tại Lâm Đồng. Tính đến hết năm 2022, diện tích liên kết sản xuất khoai tây đạt 1.170 ha, 1.200 hộ sản xuất; sản lượng 32.000 tấn, chiếm trên 40% sản lượng khoai tây toàn tỉnh.

Được biết, mô hình sản xuất nông sản kết hợp giữa nông dân và doanh nghiệp đang là xu hướng để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển xanh và bền vững. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các liên kết, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.

Nguồn: VnEconomy