Cùng doanh nghiệp trồng khoai tây làm snack, nông dân Lâm Đồng tận dụng được đất trống khi khí hậu kém thuận lợi, hết nỗi lo “được mùa mất giá”.
10 năm làm nông nghiệp, ông Miền, ở Đức Trọng (Lâm Đồng) luôn canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”, có năm phải chịu cảnh thua lỗ nặng. Tuy nhiên, 6 năm trở lại đây, được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết nối với các doanh nghiệp để sản xuất giống khoai tây dùng làm snack, ông nói đã không còn trăn trở này.
“Vụ năm nay tôi trồng 4 ha khoai tây, loại chuyên làm snack để bán cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngoài được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao, hướng dẫn kỹ thuật, mỗi ha, tôi còn được hỗ trợ 60 triệu đồng tiền phân bón”, ông Miền kể.
Vụ khoai tây năm nay gặp thời tiết kém thuận lợi, mưa kéo dài nhưng theo ông, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác bài bản nên những cánh đồng khoai tây vẫn bội thu. Với năng suất 30 tấn một ha, vụ này gia đình ông thu hoạch khoảng 120 tấn khoai tây. Mỗi kg khoai tây được doanh nghiệp mua với giá 10.200 đồng. Kết vụ, ông đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng và lãi trên nửa tỷ đồng.
“Những năm trước đây, khi chưa kết nối trồng khoai tây với doanh nghiệp, giai đoạn cuối tháng 12 đến tháng 3 (âm lịch), đất thường bỏ trống vì thời tiết khắc nghiệt, hiếm loại cây trồng cho năng suất cao”, ông Miền bộc bạch.
Tương tự, ông Đặng Xuân Tĩnh, xã Tutra, Đơn Dương (Lâm Đồng) người canh tác 5,1 ha cũng phấn khởi, cho biết yên tâm về mức lợi nhuận năm nay vì giá thu mua từ doanh nghiệp cao hơn so với các cơ sở khác 800-1.200 đồng một kg. Với 140 tấn khoai tây cho vụ canh tác gần 4 tháng, ông Tĩnh cũng thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
Cùng với các nông dân trên, ghi nhận của VnExpress tại khu vực Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) cho thấy, hầu hết hàng trăm hộ canh tác giống khoai tây làm snack ở Lâm Đồng đều được bao tiêu đầu ra, thu lãi 80-100 triệu đồng trên một ha.
Theo người trồng, giống khoai tây làm snack khác hoàn toàn với loại thông thường. Nếu củ khoai tây ta hay được dùng nấu nướng có vị bùi và ngọt, loại để làm snack ngọt nhẹ và không quá bùi. Loại này kỹ thuật chăm sóc khó hơn giống thông thường. Tuy nhiên, khoai tây làm snack cho năng suất cao hơn loại thông thường. Để đạt chuẩn, giống này phải canh tác đủ 100 ngày, kích thước củ trên 5,5 cm. Củ khoai tây phải tròn đều, không nứt, xanh hay sâu thối.
Là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, ông Jung Min-Kyo, quản lý bộ phận AGRO tại Công ty thực phẩm Orion Việt Nam cho biết, toàn bộ giống khoai tây được tạo ra từ nuôi cấy mô. Công ty hợp tác với các viện nghiên cứu khoai tây của Orion Global Agro để chọn giống phù hợp cho từng quốc gia; hợp tác với Đại học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Đà Lạt để lai tạo giống. Khi trồng, người nông dân được cung cấp giống trước, đến vụ thu hoạch mới trả chi phí mua giống.
“Chúng tôi đã thực hiện dự án này bảy năm nay, ban đầu sản lượng khoai tây chỉ 3.000 tấn nhưng nay đã tăng lên 50.000 tấn”, ông Jung Min-Kyo nói.
Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, công ty đang liên kết trồng khoai tây với nông dân ở 12 tỉnh thành Bắc Bộ và Nam Bộ với diện tích vài nghìn ha. Trong năm nay, công ty có kế hoạch tăng khoảng 15% diện tích vùng nguyên liệu. Mục tiêu, công ty hướng tới việc sử dụng 100% nguyên liệu khoai tây tươi tại Việt Nam mà không cần phải nhập khẩu.
Ngoài Orion Vina, Pepsico Việt Nam cũng đang kết hợp với nông dân ở Lâm Đồng, Đắk Lắk triển khai dự án trồng khoai tây làm snack. Theo doanh nghiệp này, giai đoạn 2022-2025, Pepsico sẽ kết nối với nông dân ở nhiều tỉnh thành, mục tiêu đạt 2.000 ha khoai tây và hơn 1.000 nông dân tham gia dự án.
Chia sẻ với VnExpress, ông Hà Ngọc Chiến – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đánh giá, mô hình trồng khoai tây liên kết với doanh nghiệp đang giúp nông dân Lâm Đồng có đầu ra bền vững. Đây cũng là tiền đề để Lâm Đồng xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao, đúng định hướng giảm tình trạng “được mùa mất giá” của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến.
Hết năm 2022, diện tích khoai tây toàn tỉnh (bao gồm cả giống khoai tây ăn tươi) đã tăng gấp đôi lên 2.700 ha, sản lượng toàn vùng 76.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất khoai tây dùng để chế biến snack đạt 1.170 ha, 1.200 hộ sản xuất; chiếm trên 42% sản lượng khoai tây toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, mô hình sản xuất nông sản kết hợp giữa nông dân và doanh nghiệp đang là xu hướng để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển xanh và bền vững. Việc hợp tác chặt chẽ trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ khoai tây giữa nhà nông và doanh nghiệp góp phần giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn: VnExpress